Việc bán hàng trực tuyến thuận lợi cho cả người bán và người mua nhưng đi kèm với đó là tình trạng người tiêu dùng đặt mua hàng online nhận về nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng.
Kinh doanh thương mại điện tử đang ngày càng trở thành xu hướng phổ biến tại Việt Nam.
Việc bán hàng trực tuyến giúp cho cả người bán và người mua tiết kiệm được thời gian, chi phí thanh toán… Tuy nhiên, đi kèm với đó là tình trạng người tiêu dùng đặt mua hàng online trên livestream TikTok, Facebook, khi nhận về nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, gây bất an cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm.
Chỉ cần ngồi gần máy tính hay cầm trên tay một chiếc điện thoại thông minh là dù bất cứ ở đâu người tiêu dùng cũng có thể lướt web để đặt mua món đồ mong muốn và sau đó sẽ được giao đến tận tay.
Nếu so với hoạt động mua bán truyền thống tại cửa hàng, mua sắm online tiết kiệm thời gian và thuận tiện hơn rất nhiều.
Cùng đó, các mặt hàng đa dạng từ quần áo mỹ phẩm, thực phẩm đến đồ điện tử điện thoại, máy tính… cũng đều có thể mua sắm online.
Không những thế, người tiêu dùng còn có thể thoải mái so sánh các sản phẩm, các thương hiệu khác nhau, giá cả, chất lượng và trực tiếp trao đổi với người bán để hiểu rõ hơn về sản phẩm.
Thế nhưng, tình trạng giả mạo sàn giao dịch, thương hiệu lớn diễn ra ngày càng nhiều, nhất là khi nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân ngày càng cao.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – cho biết sự bùng nổ của công nghệ, nhất là với phương thức kinh doanh qua mạng xã hội đã mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp.
Thế nhưng, ngoài những mặt tích cực, Internet và thương mại điện tử đều có những mặt trái và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.
Chẳng hạn như việc vi phạm pháp luật trên website, các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội về không đăng ký, thông báo website, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng…
Giới phân tích cũng chỉ ra rằng thương mại điện tử bùng nổ nhưng cả người mua và người bán đều thiếu kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực này đã tạo ra những lỗ hổng cho đối tượng lợi dụng trục lợi.
Đáng lưu ý, tình trạng giả mạo sàn giao dịch, thương hiệu lớn diễn ra ngày càng nhiều, nhất là lợi dụng chính sách không cho khách hàng đồng kiểm khi nhận hàng online, các shop bán hàng lừa đảo xuất hiện tràn lan trên các sàn thương mại điện tử.
Chị Nguyễn Thị Thủy tại Kim Ngưu cho biết do phải đi làm cả ngày không có thời gian đi mua sắm nên hay tranh thủ vào mạng tìm mua sản phẩm quần áo, mỹ phẩm. Tuy vậy, không phải lần nào mua hàng cũng nhận được sản phẩm giống như đăng tải trên mạng.
Không những thế, tại nhiều trang cá nhân đăng tải trên mạng xã hội Facebook thường xuyên chia sẻ livetream bán các sản phẩm như nước hoa, mỹ phẩm, giày dép, túi xách đều của các hãng nổi tiếng thế giới nhưng giá chỉ ngang với hàng sản xuất trong nước.
Sau khi nhận hàng, chị Nguyễn Thị Thủy mới té ngửa vì hầu hết toàn là giả thương hiệu, không hóa đơn chứng từ.
Đơn cử như cặp dầu gội hàng hiệu sau khi sử dụng không lưu mùi thơm mà tóc còn khô cứng xơ gãy hơn trước, nước hoa xịt sau 5 phút là hết mùi. Thế nhưng, khi liên hệ lại nơi bán khi trang này livetream trực tiếp đã phản bác lại thông tin và sau đó đã chặn không thể vào nhắn tin bình luận hay điện thoại phản hồi.
Các chuyên gia lĩnh vực thương mại điện tử cho hay, hiện nay có tình trạng nhiều đối tượng thường lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn thương mại điện tử, sau đó giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng.
Hơn nữa, các đối tượng sẽ đăng bán sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3-4 lần kèm thêm thông tin như “giảm giá sốc,” “thanh lý xả kho.”
Đáng lưu ý, hầu hết những mặt hàng này đều có giá trị cao, nhỏ gọn, dễ có hàng giả, hàng nhái như đồ điện tử hay điện thoại di động.
Trước thực trạng nhiều shop ảo có dấu hiệu lừa đảo ngày càng tràn lan trên không gian mạng đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong quản lý.
Nhằm tăng cường đấu tranh và ngăn chặn các hành vi lừa đảo trong giao dịch trên không gian mạng, Bộ Công Thương đã quyết liệt thực hiện nhiệm vụ về thanh tra, kiểm tra cũng như kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Cụ thể, 3 quý năm 2023 gỡ bỏ/khóa 6.112 gian hàng với 19.319 sản phẩm vi phạm.
Năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước phát hiện, xử lý 676 vụ vi phạm; xử phạt hành chính trên 10 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu trên 5 tỷ đồng.
Cùng với đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với lực lượng chức năng triệt phá kho hàng lớn, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu bằng hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook tại Hà Nội, Gia Lai… Qua đó đã thu giữ hàng nghìn sản phẩm trang sức mỹ ký thời trang được livestream bán trên mạng xã hội tại 3 cửa hàng ở Lào Cai.
Kiểm tra chuỗi kinh doanh xe đạp điện của Công ty Hamachi, lực lượng chức năng cũng phát hiện hàng trăm xe vi phạm…
Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường – nhấn mạnh lực lượng quản lý thị trường xác định, chống hàng giả trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ chủ chốt của lực lượng trong vòng 3-5 năm tới.
Hơn nữa, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử phải coi mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử là một trận địa, không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Đặc biệt, xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới quản lý thị trường địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm.
Theo ông Trần Hữu Linh, thương mại điện tử, mạng xã hội là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới, do vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử.
Mặt khác, lực lượng sẽ đẩy mạnh việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử (xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng; chủ động yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội, phối hợp rà soát, gỡ bỏ thông tin sản phẩm, hàng hóa vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, tăng cuờng chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ việc quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Leave a Reply