Số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tính đến cuối tháng 7/2024, lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt 6.838.413,68 tỷ đồng, tăng 305.672 tỷ, tương ứng với mức tăng 4,68% so với thời điểm cuối năm 2023.
Đây cũng là con số cao nhất về lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng từ trước đến nay được ghi nhận.
Trong khi đó, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế gửi vào ngân hàng đạt 6.768.755,12 tỷ đồng, có giảm nhẹ 1,07% so với cuối năm ngoái và thấp hơn lượng của tiền gửi dân cư.
Cũng theo số liệu của NHNN, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng liên tiếp trong gần 2 năm qua, bất chấp lãi suất huy động giảm sâu kỷ lục trong năm 2023.
Bắt đầu từ tháng 4/2024, lãi suất tiền gửi ngân hàng có dấu hiệu tăng trở lại. Đây được xem là động thái hấp dẫn dòng tiền nhàn rỗi, khiến lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng tiếp tục tăng lên.
Hiện xu hướng tăng lãi suất vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, trong khi nhóm 4 ngân hàng do nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp lịch sử.
Về xu hướng lãi suất cuối năm, chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là giai đoạn “mùa” cho vay của các ngân hàng. Do đó, để đáp ứng được nhu cầu vốn, các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động để bảo đảm lượng tiền luôn được thông suốt trên thị trường. Điều này có thể dẫn đến việc lãi suất huy động có xu hướng tăng dịp cuối năm
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, xu hướng tăng của lãi suất huy động trong nửa cuối năm nay, nhưng với lãi suất cho vay cũng sẽ có điều chỉnh tăng theo lãi suất huy động. Việc lãi suất tăng là dấu hiệu của sự sôi động kinh tế, khi cả cá nhân lẫn doanh nghiệp đều gia tăng nhu cầu vay vốn. Điều này thúc đẩy các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất huy động nhằm thu hút thêm tiền gửi để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn từ khách hàng.
Xem thêm video được quan tâm:
Ô tô bị cây đè trong siêu bão, chủ phương tiện có được công ty bảo hiểm đền bù?
Leave a Reply