Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hầu hết các loại lúa tuần qua có giảm sự giảm giá khá mạnh từ 1.500 – 2.400 đồng/kg. Điển hình như: Đài thơm 8 từ 7.400 – 7.600 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg; OM 18 cũng giảm 1.800 đồng/kg xuống còn từ 7.400 –7.600 đồng/kg; Nàng Hoa 9 có giá từ 7.000 – 7.200 đồng/kg, giảm 2.200 – 2.400 đồng/kg; IR 50404 từ 7.100 – 7.300 đồng/kg, giảm 1.500 – 1.700 đồng/kg; OM 5451 từ 7.200 – 7.300 đồng/kg, cũng giảm khoảng 2.000 đồng/kg; riêng lúa Nhật ổn định từ 7.800 – 8.000 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 – 16.000 đồng/kg, giảm 500 – 1.000 đồng/kg; gạo thơm Thái hạt dài từ 19.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.000 – 18.500 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…
Thời điểm này, các trà lúa Đông Xuân gieo sạ tại thành phố Cần Thơ đã bước vào thu hoạch với năng suất đạt khá cao, khoảng 1 – 1,2 tấn/công (công tầm lớn 1.300m2). Theo nông dân và thương lái, hiện giá lúa dao động từ 7.500 đồng/kg – 7.900 đồng/kg tùy giống lúa. Tuy nhiên, nông dân có phần kém vui khi giá lúa đã giảm khá mạnh so với cách nay vài tuần.
So với vụ Đông Xuân năm 2022 – 2023 giá lúa chỉ 5.800 đồng/kg thì vụ Đông Xuân này nông dân Cần Thơ vẫn có lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, nông dân cũng lo lắng vì hiện giá lúa sụt giảm, đến lúc cắt lúa, thương lái hạ giá thì cũng phải bán vì không thể để lúa lâu trên đồng.
Về xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 625 – 630 USD/tấn, giảm so với mức 637 – 640 USD/tấn một tuần trước đó. Một thương nhân tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết nguồn cung đầy lên trong bối cảnh vụ Đông Xuân đang trong giai đoạn thu hoạch. Đây cũng được xem là vụ thu hoạch lớn nhất trong năm.
Một số nhà giao dịch cho biết họ đang giảm tốc độ mua lúa từ nông dân do dự đoán giá trong nước sẽ tiếp tục giảm.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024 cả nước xuất khẩu 512.265 tấn gạo, tương đương 362,26 triệu USD, giá trung bình 707,2 USD/tấn, tăng 4% về lượng, tăng 7% về kim ngạch và tăng 2,8% về giá so với tháng 12/2023; còn so với tháng 1/2023 thì tăng mạnh 42,6% về khối lượng, tăng 94,1% về kim ngạch và tăng 36,2% về giá.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 53,6% trong tổng lượng và chiếm 39% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 280.944 tấn, tương đương gần 194,28 triệu USD.
Trên thị trường gạo châu Á, giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ đã tăng lên mức cao kỷ lục mới trong tuần này do nguồn cung hạn chế và nhu cầu cải thiện nhẹ.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã được chào bán ở mức từ 546 – 554 USD/tấn trong tuần qua, tăng so với mức từ 542 – 550 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà xuất khẩu tại Kolkata cho biết nhu cầu gạo trong tuần qua đã tốt hơn so với tuần trước. Gạo Ấn Độ vẫn rẻ hơn so với gạo từ các nơi khác.
Cùng với đó, gạo 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 615 USD/tấn, tăng nhẹ so với mức 610 USD/tấn của tuần trước. Các nhà giao dịch cho rằng giá tăng là do sự biến động của đồng baht, trong khi nhu cầu vẫn yếu và không có giao dịch lớn nào diễn ra. Họ cũng lưu ý rằng nguồn cung mới dự kiến sẽ dần được bổ sung vào thị trường trong tháng tới.
Trong khi đó, Bangladesh có thể nhập khẩu 500.000 tấn gạo trong năm tính đến tháng 6/2024 để hạ nhiệt giá gạo trong nước. Đầu tháng này, chính phủ Bangladesh đã cắt giảm thuế nhập khẩu gạo từ mức 63% xuống 15%.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng trên sàn giao dịch Chicago (CBOT) đã giảm trong phiên ngày 23/2, dẫn đầu là lúa mỳ.
Khép phiên qua, giá ngô giao tháng 5/2024 giảm 5 xu (1,19%) xuống 4,135 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn giảm 10,25 xu (1,77%) xuống 5,69 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 5/2024 giảm 10,75 xu (0,93%) xuống 11,4175 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá lúa mỳ kỳ hạn giảm do hoạt động chốt lời.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy doanh số bán hàng đạt 8,6 triệu bushel lúa mỳ, 32,3 triệu bushel ngô và 2,1 triệu bushel đậu tương. Tất cả doanh số bán hàng đều ít hơn dự kiến.
Thị trường cà phê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục sụt giảm. Giá cà phê Robusta giao tháng 3/2024 giảm 127 USD xuống 3.047 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 5/2024 giảm thêm 83 USD xuống 3.030 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao, trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng tiếp tục sụt giảm. Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2024 giảm 2,85 xu, xuống 180,30 xu/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 giảm 3,05 xu xuống 179,05 xu/lb. (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch rất cao, trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm từ 1.000 – 1.200 đồng, xuống dao động trong khung 80.800 – 81.500 đồng/kg.
Theo các nhà quan sát, giá cà phê tiếp tục sụt giảm một phần là do sức bán ra khá mạnh từ Brazil, khi nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới sắp bước vào thu hoạch vụ mùa mới của niên vụ 2024/2025.
Ngoài ra, xuất khẩu cà phê Robusta tháng 1/2024 của Việt Nam tăng tới 67,45% so với cùng kỳ năm trước cũng gây áp lực, khiến các quỹ đẩy mạnh thanh lý, bất chấp lo ngại nguồn cung đang bị thắt chặt vì vấn đề vận tải hàng hải quốc tế và nhu cầu toàn cầu ngày càng cao.
Leave a Reply