Các phiên đấu giá đất nền tại Hà Nội thời gian qua đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, thậm chí phần nào tạo nên “cơn sốt” cho thị trường đất vùng ven Hà Nội năm 2024.
Tại huyện Thanh Oai, phiên đấu giá đất ngày 10/8 ghi nhận số lượng kỷ lục trên 4.200 hồ sơ với hơn 1.500 người tham gia. Kết thúc phiên đấu giá ngày 10/8, các lô thường có giá trúng 63-80 triệu đồng/m2, gấp 5 đến 6,4 lần so với giá khởi điểm. Đáng chú ý, cao nhất là lô góc có giá trúng gần 100,5 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, hết thời gian quy định, trong 68 lô đất đưa ra đấu giá chỉ có 13 lô đất nộp đủ tiền. Còn lại 55 lô khác, bao gồm cả người trúng lô đất có giá trúng cao nhất gần 100,5 triệu đồng/m2 đểu “bỏ cọc“.
Ông Lê Hồng Phúc, trưởng phòng quản lý và phát triển quỹ đất Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai cho biết, để đưa một khu đất ra đấu giá phải chuẩn bị mất rất nhiều thời gian. Việc nhà đầu tư bỏ cọc sẽ là gánh nặng cho địa phương trong thực hiện thủ tục, quy trình xử lý.
Ngoài ra, việc bỏ cọc sẽ gây thất thu cho nguồn thu cho ngân sách. Cụ thể, sau khi kết thúc đấu giá 68 thửa đất ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai dự kiến sẽ thu về cho ngân sách 404,6 tỉ đồng, tuy nhiên thực tế đến nay chỉ thu được khoảng 60 tỉ đồng.
Về nguyên nhân dẫn đến việc người trúng đấu giá bỏ cọc, ông Phúc cho rằng có nhiều lý do nhưng có thể tới từ việc nhiều người “đấu xong không bán sang tay được”. Thực tế cho thấy, ngay khi các phiên đấu giá ít phút, các lô đất vừa được đấu giá xong đã xuất hiện các “chợ đất” online với mức chênh đến hàng trăm triệu đồng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia kinh tế) cho rằng, việc bỏ cọc đấu giá đất ở Thanh Oai, cho thấy nhiều dấu hiệu bất thường, sau khi đẩy mặt bằng giá lên cao gây náo loạn thị trường đất vùng ven Hà Nội thì các nhà đầu tư lại bỏ cọc.
“Việc đấu giá cao rồi bỏ cọc vừa qua không thể là chuyện hy hữu mà do do có tính toán từ một nhóm lợi ích. Mục đích thông qua đấu giá để tạo mặt bằng giá mới cao hơn trước và khiến thị trường đất nền khu vực phát sốt. Điều này sẽ có lợi cho nhóm người đang giữ đất trong thời gian trước”, ông Thịnh cho hay.
Theo vị chuyên gia này, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, việc bỏ cọc đấu giá đất sẽ như “vết dầu loang” khi Hà Nội sẽ tiếp tục đấu giá hàng trăm lô đất trong thời gian tới. “Việc đầu tiên chính quyền các địa phương cần phải xác định đúng giá đất theo giá thị trường mới được đưa ra đấu giá. Ngoài ra, nên rút ngắn thời gian đóng tiền sau đấu giá còn 15 ngày thay vì 90 ngày như quy định hiện nay. Về dài hạn có thể tính toán đến phương án, xây chung cư cho thuê với giá mềm để người thu nhập thấp, người không có nhà dễ dàng tiếp cận, đây cũng là một thị trường đầy tiềm năng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), mức thuế bất động sản có thể nâng cao dần với giao dịch bất động sản mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn hay nếu chủ sở hữu không đưa bất động sản tham gia hoạt động kinh doanh, không triển khai xây dựng sau khi nhận đất… Việc này sẽ hạn chế các bất cập trong việc mua đi bán lại đất đấu giá, từ đó, giảm tình trạng đẩy giá rồi bỏ cọc.
“Việc đánh thuế bất động sản đúng hướng sẽ hạn chế động lực đầu cơ bất động sản bởi cùng với chi phí lãi vay và các chi phí cơ hội khác, việc sở hữu bất động sản đầu cơ trở nên rủi ro hơn. Mua đi bán lại bất động sản để ăn chênh lệch, hay tạo cung cầu ảo để thổi giá bất động sản dần trở nên vô nghĩa”, ông Đính chia sẻ.
Xem thêm video được quan tâm:
Ô tô bị cây đè trong siêu bão, chủ phương tiện có được công ty bảo hiểm đền bù?
Leave a Reply