Người dân ngoại thành TPHCM lo ngại giá đất điều chỉnh tăng quá cao

TPHCM đưa ra dự thảo bảng giá đất điều chỉnh vào cuối tháng 7, dự kiến áp dụng từ ngày 1/8. Tuy nhiên đến nay, bảng giá đất điều chỉnh vẫn chưa ban hành, đang thực hiện ghi nhận ý kiến của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân để tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với thực tế ở từng nơi.

Một số ý kiến cho rằng, theo bảng giá điều chỉnh thì giá đất ở một số huyện vùng ven TPHCM tăng quá cao, có nơi tăng gấp 51 lần so với giá đất hiện hành, khiến người dân gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục, hồ sơ đất đai.

Giá đất tại đường Nguyễn Huệ tăng 5 lần khi thực hiện điều chỉnh. Ảnh: Xuân Dự

Giá đất tại đường Nguyễn Huệ (Quận 1) là 810 triệu đồng/m2 khi thực hiện điều chỉnh. Ảnh: Xuân Dự

Theo nhận định của Hiệp hội Bất động sản TPHCM, giá đất của các huyện vùng ven đều tăng cao, từ 23 đến 51 lần theo bảng giá điều chỉnh.

Cụ thể, giá đất huyện Hóc Môn tăng 5-51 lần, huyện Bình Chánh tăng 2-36 lần, huyện Củ Chi tăng 9-31 lần, huyện Nhà Bè tăng 7-23 lần, huyện Cần Giờ tăng 8-23 lần.

Có phản hồi cho rằng, tại một số huyện ngoại thành ở TPHCM, cuộc sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, thế nhưng giá đất được điều chỉnh tăng cao hơn so với ngoại thành. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến việc chuyển mục đích đất để xây dựng nhà ở.

Người dân ở vùng ngoại thành băn khoăn khi chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất ở thì tính thuế ra sao, việc tăng giá quá cao vượt khả năng thì người dân có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ như thế nào trong thời điểm này.

Nhận định về bảng giá đất điều chỉnh, đại diện Sở TN&MT TPHCM cho rằng, việc điều chỉnh giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn thành phố là tuân thủ quy định pháp luật. Đó là dựa trên cơ sở cập nhật giá đất bồi thường, giá đất tái định cư và giá đất giao dịch từ cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế trên địa bàn.

Có thể nhận thấy cập nhật bảng giá đất điều chỉnh phản ảnh thực tế về giá đất tại tất cả các quận, huyện, không phân biệt nội thành hay ngoại thành.

Theo Sở TN&MT TPHCM, trong thời gian qua, các khu vực ngoại thành được thành phố đầu tư hạ tầng đồng bộ, theo đó mà giá đất chuyển nhượng trên thực tế tăng cao. Do vậy, giá đất cụ thể theo giá thị trường để tính bồi thường các dự án hạ tầng qua khu vực ngoại thành cũng ở mức cao, tạo sự đồng thuận khi bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện dự án.

Phản hồi ý kiến giá đất tại một số vị trí ở huyện Hóc Môn tăng 51 lần, Sở TN&MT TPHCM cho biết, qua kiểm tra thực tế giá đất được nêu tại vị trí đường Song Hành Quốc lộ 22. Giá đất tại bảng giá đất được ban hành là 780 ngàn đồng, giá này chưa phải là giá đất thị trường mà phải bổ sung hệ số sẽ cho kết quả là 3,5 triệu đồng/m2.

Thực tế, tại thời điểm ngày 01/12/2023, UBND huyện Hóc Môn đã phê duyệt bồi thường với giá là 39.576.000 đồng/m2 và đã được người dân có đất thu hồi đồng thuận. Từ đó có thể nhận thấy, bảng giá đất điều chỉnh cập nhật mức giá cho vị trí tại đường Song Hành Quốc lộ 22 là phù hợp.

Đối với việc tính thuế khi chuyển mục đích đất, theo Sở TN&MT TPHCM, trường hợp chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất ở thì người dân phải nộp tiền sử dụng đất là khoảng chênh lệch giữa giá đất của mục đích sử dụng đất sau trừ đi giá đất của mục đích sử dụng đất trước khi chuyển.

Theo bảng giá đất điều chỉnh thì giá đất nông nghiệp có tỷ lệ tăng bình quân cao hơn (11-14 lần) so với tỷ lệ tăng giá của đất ở (4-5 lần), do đó, khoảng cách giữa 2 mục đích sử dụng đất sẽ giảm dần.

Một số vùng ngoại thành được điều chỉnh giá đất tăng nhiều lần. Ảnh: Xuân Dự

Một số vùng ngoại thành được điều chỉnh giá đất tăng nhiều lần. Ảnh: Xuân Dự

“Những trường hợp chưa có điều kiện thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai thì Luật Đất đai cho phép người sử dụng đất được ghi nợ tiền sử dụng đất, khi nào chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có thu nhập thì mới phải nộp. Đối với các hộ nghèo, gia đình chính sách đã có chế độ miễn, giảm tiền sử dụng đất khi đáp ứng các điều kiện theo quy định”, đại diện Sở TN&MT TPHCM chia sẻ.

Bảng giá đất điều chỉnh hiện vẫn đang được các cơ quan chức năng TPHCM tiếp tục điều chỉnh trước khi ban hành. Điều mà nhiều người mong muốn là giá đất ở vùng ngoại thành không tăng quá cao để người dân có thể thuận lợi trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà cửa cho con cái hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Lý do giá khởi điểm đấu giá đất thấp hơn nhiều lần thị trường?Lý do giá khởi điểm đấu giá đất thấp hơn nhiều lần thị trường?

SKĐS – Theo chuyên gia, việc Luật Đất đai 2024 có hiệu lực nhưng bảng giá đất vẫn chưa thay đổi khiến việc xác định giá khởi điểm thấp hơn nhiều so với giá thị trường ở địa phương.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*