Tại An Giang, giá hầu hết các loại lúa không có sự thay đổi như: Nàng Hoa 9 có giá từ 7.600 – 7.700 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800 – 8.000 đồng/kg, IR 50404 từ 7.400 – 7.500 đồng/kg; OM 5451 từ 7.600 – 7.700 đồng/kg…; riêng Đài thơm 8 từ 7.600 – 7.800 đồng/kg và OM 18 từ 7.600 – 7.800 đồng/kg, đều giảm 200 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo thơm Thái hạt dài từ 20.000 – 21.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.000 – 19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…
Tại thành phố Cần Thơ, hiện nông dân các địa phương đang bước vào đợt thu hoạch lúa vụ Hè Thu. Mặc dù giá lúa thời điểm này cao hơn cùng kỳ năm 2023 nhưng năng suất của mỗi giống lúa theo đánh giá của các nông dân lại khác nhau, có giống lúa trúng mùa nhưng cũng có giống lúa cho năng suất kém, điển hình lúa OM18 cho năng suất thấp.
Nhiều loại lúa tươi đang được nông dân bán ra ở mức cao hơn cùng kỳ năm trước từ 500 – 1.000 đồng/kg. Thành phố sẽ thu hoạch tập trung vụ lúa Hè Thu vào nửa cuối tháng 6. Những diện tích lúa đã thu hoạch cho năng suất gần 6 tấn/ha, giá bán từ 7.200 – 7.500 đồng/kg.
Vụ Hè Thu 2024, nông dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ gieo trồng được 71.280ha, đạt 103% so với kế hoạch. Vụ này, nông dân chủ yếu sạ các giống lúa chất lượng cao và lúa thơm, nhất là giống: OM18, OM5451 và OM380…
Giá xuất khẩu gạo từ Việt Nam trong tuần này giảm nhẹ do chi phí vận chuyển tăng. Các thương nhân cho biết, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 570 – 575 USD/tấn vào ngày 13/6, giảm so với mức 575-580 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, chi phí vận chuyển tăng cả trong nước và quốc tế đang ảnh hưởng đến việc xuất khẩu gạo.
Một thương nhân khác tại đây cho biết thêm, động thái giảm thuế nhập khẩu gạo của Philippines sẽ thúc đẩy xuất khẩu gạo của Việt Nam. Nhiều năm qua, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Trong khi đó, gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ – nhà xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Đột được báo giá ở mức từ 539 – 546 USD/tấn trong tuần này, không thay đổi so với tuần trước đó. Một thương nhân tại Mumbai cho biết: “Khách hàng châu Phi liên tục mua vào. Sự mất giá của đồng rupee đang khiến các nhà xuất khẩu Ấn Độ chấp nhận giá nội địa tăng trong khi nguồn cung giảm”.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 630 USD/tấn, cũng không thay đổi so với tuần trước. Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết nhu cầu tiếp tục đến từ các khách hàng thường xuyên như Indonesia và Philippines, đồng thời cho biết thêm rằng nhu cầu mới và vụ mùa bổ sung sẽ diễn ra vào tháng Bảy tới.
Về thị trường nông sản Mỹ, tính chung cả tuần qua, tại sàn giao dịch nông sản Chicago (Mỹ), giá ngô giao tháng 12/2024 tăng 2,75 xu Mỹ, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ngày 14/6 ở mức giá 4,7025 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2024 giảm 8 xu Mỹ, khép phiên cuối tuần ở mức 11,4975 USD/bushel. Còn giá lúa mì giao tháng 9/2024 mất 14,75 xu, chốt phiên 14/6 ở mức 6,285 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Ông Jerry Gulke, Chủ tịch Tập đoàn Gulke cho biết, thị trường ngô và đậu tương có rất ít biến động trong tuần qua, phản ánh sự thiếu thay đổi trong Ước tính Cung và Cầu Nông nghiệp Thế giới (WASDE) tháng Sáu, báo cáo hàng tháng do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố. Ông Gulke nói thêm, thị trường hiện đang tập trung vào Báo cáo diện tích gieo trồng tháng 6 của USDA.
Thời tiết trong tháng Bảy có thể ảnh hưởng đáng kể đến năng suất ngô của Mỹ, trong khi thời tiết tháng Tám lại quan trọng hơn đối với năng suất đậu tương. Thời tiết nóng hơn và khô hơn có thể làm giảm năng suất cây trồng, trong khi thời tiết mát hơn và ẩm ướt hơn có thể hỗ trợ năng suất.
USDA hiện dự báo sản lượng ngô của Mỹ đạt 377,5 triệu tấn trong năm 2024, giảm 3,1% so với năm 2023 do năng suất kỷ lục dự kiến không thể bù đắp cho diện tích trồng thu hẹp 4,9%. Sản lượng đậu tương được dự đoán sẽ tăng 6,9% lên 121,1 triệu tấn trong năm nay, do tăng diện tích trồng cộng với năng suất cao kỷ lục.
Sản lượng đậu tương của Mỹ tăng mạnh là một phần lý do khiến nguồn cung đậu tương toàn cầu tiếp tục dồi dào trong mùa vụ sắp tới. Lúa mì lại chịu áp lực giảm đáng kể trong tuần này. USDA đã giảm 5 triệu tấn sản lượng lúa mì của Nga trong WASDE, xuống còn 83 triệu tấn. Ông Gulke nói: “Giá lúa mì tại sàn giao dịch Chicago đã tăng 1,40 USD do dự đoán sản lượng ở Nga thấp hơn, nhưng xu hướng tăng giá chỉ diễn ra tốt đẹp trong khoảng sáu tuần”.
Ông Gulke cho biết đợt phục hồi thời tiết ở khu vực trồng lúa mì Chicago đã giúp giá lúa mì hoàn thành ba đợt tăng và về vùng điều chỉnh kỹ thuật.
Về thị trường giá cà phê thế giới, tại hai sàn giao dịch nông sản là London và New York ngày 15/6, giá cà phê quay đầu giảm mạnh. Trong đó, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2024 trên sàn London giảm tới 106 USD, về mức 4.115 USD/tấn, còn loại có kỳ hạn giao tháng 9/2024 giảm mạnh 84 USD; ở ngưỡng 4.009 USD/tấn.
Giá Arabica giao tháng 7/2024 trên sàn New York giảm 1,9 xu Mỹ, rơi xuống mốc 224,15 xu/lb, còn loại kỳ hạn giao tháng 9/2024 giảm 1,85 xu, xuống mức 224,40 xu/lb (1 lb = 0,4535 kg).
Theo giới chuyên gia, lực bán mạnh cà phê Robusta lúc cuối phiên kéo giá cà phê cả hai sàn đi xuống. Giá cà phê cũng đang bị áp lực giảm bởi vụ thu hoạch tại Brazil đang diễn tiến thuận lợi và nhanh hơn.
Ngoài ra, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất gần 7 tuần càng khiến cà phê giảm sức hấp dẫn. Tính đến thời điểm khảo sát, chỉ số đồng USD, đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt, đã tăng lên mốc 105,52.
Đồng USD neo cao khi các nhà giao dịch đặt cược vào việc Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất một lần trong năm nay.
Dự trữ cà phê Arabica đã qua phân loại được chứng nhận nắm giữ trên thị trường New York được cho là đã tăng 5.840 bao vào ngày 14/6. Về mặt kỹ thuật thị cả hai thị trường có nhiều điểm tương đồng là trong giai đoạn này, tuy nhiên cú tăng ngược phiên 12/6 đã khiến cho thị trường trở nên khó dự đoán hơn.
Leave a Reply