Lạ đời sản vật địa phương, thức quà quê gắn với tuổi thơ trở lại vào dịp Tết, thành món ngon ‘độc lạ’

Săn lùng thực phẩm từ miền núi đến đồng bằng

Với nhiều người dân thành phố, về quê để ‘rinh’ những thực phẩm rõ nguồn gốc là ưu tiên hàng đầu.

Lạ đời sản vật địa phương, thức quà quê gắn với tuổi thơ trở lại vào dịp Tết, thành món ngon 'độc lạ'- Ảnh 1.

Nhiều người Hà Nội đặt nuôi lợn rừng ăn Tết.

Cách đây hơn 1 tháng, anh Hoàng Nam (ở Tây Hồ, Hà Nội) đã nhờ người quen ở Hòa Bình mua một con lợn “mán” từ vùng cao mang về nhờ người nhà nuôi hộ. Con lợn nặng gần 30 kg, hằng ngày chỉ ăn cám gạo nấu với bèo, lá khoai lang, rau xanh, cơm thừa. 

Tới ngày 27 tháng Chạp, anh đã đánh xe lên Hòa Bình chở về và đã thịt vào ngày 28 tháng Chạp vừa qua. Ngoài ra, anh còn đặt mua 5 con gà thả vườn của người nhà cùng nhiều rau củ do người quen trồng để đem xuống Hà Nội ăn tết.

“Năm nay nhà tôi sẽ sử dụng thịt lợn, thịt gà là chủ đạo để nấu các món ăn ngày Tết. Các món ăn dân dã như lạp xưởng, thịt trâu gác bếp, thịt lợn rừng, hạt dẻ rừng, măng khô, nấm hương, mộc nhĩ, gạp nếp nương cũng được gia đình tôi đặt mua để ăn tết. 

Các đặc sản quê được quảng cáo bán ở Hà Nội rất nhiều nhưng bản thân tôi cũng chẳng thể yên tâm bởi bản thân mình có trực tiếp kiểm tra được đâu. Thế nên, cách tốt nhất là năm nay tôi rủ thêm 2 đồng nghiệp nữa quyết định lên Hòa Bình sắm… Tết” “, anh Nam chia sẻ.

Người Việt Nam vốn thích quà quê vì cây nhà lá vườn, do chính người nông thôn làm ra nên tự nhiên, an toàn và tin cậy. Ngay từ trước Tết mấy tháng, các bà nội trợ đã đặt hàng quà quê, nhất là những món truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết như hoa quả, thịt gà… Vì thế, những thương hiệu nổi tiếng như bưởi diễn, cam canh, chuối ngự, gà ta… luôn được săn lùng.

Theo chia sẻ của nhiều người thích mua thực phẩm gốc quê trong dịp Tết, hầu hết họ mua của người quen, chỗ tin tưởng, hoặc đích thân về tận quê để chọn được đặc sản ngon. Cũng có người “tuyển” hàng quê trên mạng thông qua sự giới thiệu bạn bè, đồng nghiệp…

Chị Diệu Linh (nhân viên ngân hàng ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Đã mua quà quê là phải quê “xịn” nên tôi thường về tận quê để chọn. Có năm bận rộn quá không về được thì tôi phải gọi điện nhờ người thân ở quê đặt hàng để đảm bảo mua được hàng chuẩn.”

“Bạn bè của tôi thấy tôi mua được hàng ngon mà lại rẻ nên cứ nhờ mua nên tôi nhờ bàn con ở quê gom hàng giúp rồi trả công cho họ. Điều quan trọng nhất là hàng phải ngon, đảm bảo an toàn. Có người bỏ cả đống tiền ra mua hàng quê nhưng vẫn bị lừa vì họ không biết rõ xuất xứ của món hàng đó,” chị Hà cho hay.

Bánh kẹo truyền thống trở lại trên khay mứt Tết

Lạ đời sản vật địa phương, thức quà quê gắn với tuổi thơ trở lại vào dịp Tết, thành món ngon 'độc lạ'- Ảnh 2.

Thay vì bánh kẹo ngoại nhập hay hàng công ty, nhiều người tìm mua bánh kẹo cổ truyền. Hình minh họa

Không riêng gì thực phẩm tươi sống, khoảng vài năm trở lại đây, khi người ta đã đủ đầy với những món quà hiện đại thì bỗng dưng thương nhớ ký ức xa xưa. Rồi những thứ bánh tưởng như cổ hủ, lạc hậu, quê mùa như kẹo lạc, kẹo vừng, bánh khảo, bánh chả lá chanh… vì thế mà được hồi sinh.

Thay vì lựa chọn bánh kẹo, mứt Tết ngoại nhập như những năm trước, năm nay, nhiều người lại ưu tiên lựa chọn các đặc sản địa phương để chưng Tết.

Chị Thu Hà (Ba Đình, Hà Nội) vừa kịp nhận lô kẹo lạc mà mình đặt cách đây 1 tuần. Đây là các loại kẹo chị Hà mua để Tết Nguyên đán tới đãi khách cùng với chén nước chè xanh cho chuẩn vị. Nhưng nay chị mới chỉ nhận kẹo dồi, kẹo lạc và kẹo vừng. Riêng món kẹo chè lam thì phải cận Tết mới nhận để đảm bảo độ dẻo, đặt sớm để Tết ăn sẽ bị cứng, không ngon.

Chị cho biết, những năm trước vào mỗi dịp Tết chị thường mua các loại bánh kẹo ngoại với giá khá đắt đỏ. Như Tết năm ngoái, chỉ tính riêng tiền bánh kẹo mua làm quà biếu, để đãi khách đã tốn của chị cả chục triệu đồng. 

Năm vừa qua, thu nhập giảm, thưởng cuối năm cũng không được như trước. Thế nên, Tết này, chị tính chi tiêu tiết kiệm. Thay vì sắm toàn bánh kẹo ngoại, chị chuyển sang mua các loại kẹo quê dân dã, giá rẻ lại ngon. “Mứt, kẹo này không chất bảo quản, giá lại tương đối rẻ. Tết đến, ăn mứt, kẹo nhâm nhi cùng chén nước chè hợp vị”, chị Hà chia sẻ.

Thực ra, ngày còn bé khi ở quê chè lam, kẹo lạc là món quà vặt quen thuộc, nhất là vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Bởi khi đó, tiền không có nhưng lạc, vừng và gạo nếp thì lúc nào cũng sẵn nên mỗi dịp Tết đến các mẹ, các chị thường làm những loại kẹo này cho cả ăn, đãi khách. Món kẹo quê ăn giòn tan, bùi bùi của lạc, cảm giác trở về thời ngày xưa. Bây giờ ít ăn lại thành lạ. Thế nên, Tết Giáp Thìn này, chị Linh quyết định không mua bánh kẹo ngoại, chỉ làm một ít mứt dừa non và mua toàn bánh kẹo cổ truyền để đãi khách.

Chè lam, bánh chả, kẹo lạc, kẹo vừng hay kẹo dồi, tất cả đều ngon khi thưởng thức với trà. Người với người cùng ngồi lại, vừa nhâm nhi chén trà nóng hổi, vừa nhấm nháp chút kẹo chút bánh ngọt lịm, rồi dăm ba câu chuyện năm vừa rồi làm ăn ra sao. Chỉ từng ấy những thức kẹo bánh, thế nhưng với những cái Tết cổ truyền ngày xưa, nhiêu đó thôi cũng đủ ấm rồi!

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*