Việt Nam có nhiều giống gạo ngon nhưng chưa có thương hiệu gạo quốc gia
Ngày 10/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng và báo Tuổi trẻ tổ chức Hội thảo xây thương hiệu quốc gia cho gạo Việt.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh có diện tích gieo trồng lúa lớn đứng thứ 5 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích canh tác trên 140.000 ha. Cơ cấu sản xuất chuyên canh 2 – 3 vụ/năm, diện tích gieo trồng hằng năm khoảng 330.000 ha, với sản lượng trên 2,1 triệu tấn/năm.
“Điểm nổi bật là tỉ lệ lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 54%. Riêng giống lúa ST24 và ST25 chiếm trên 18% và được xếp hạng “Gạo ngon nhất thế giới” qua các kỳ dự thi quốc tế. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,07%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,8 tỷ USD, trong đó sản lượng gạo xuất khẩu trên 1,2 triệu tấn, giá trị xuất khẩu gạo ước tính đạt 789 triệu USD, tăng 92% so với năm 2023.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam đạt gần 8,5 triệu tấn với giá trị 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất từ trước đến nay.
Không chỉ tăng về khối lượng và giá trị, trong những năm gần đây, cơ cấu gạo của Việt Nam liên tục thay đổi theo hướng tăng tỉ trọng gạo chất lượng cao, giá trị cao và giảm loại gạo phẩm cấp thấp. Hạt gạo Việt không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn vang danh trên thị trường quốc tế. Việt Nam đã trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới cả về lượng và chất. Tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới, liên tục trong các năm qua gạo Việt đều lọt vào top 3, trong đó gạo ST25 đã 2 lần trở thành loại gạo ngon nhất thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo quốc gia có sự nhận biết rộng rãi, cũng như thiếu vắng các thương hiệu gạo của doanh nghiệp trên kệ bán lẻ thế giới. Khi nói đến gạo Việt, người tiêu dùng vẫn chưa hình dung ra cụ thể đó là loại gạo cụ thể nào. Trong khi Thái Lan có gạo Thai Hom Mali, Ấn Độ và Pakistan có Basmati Rice, Nhật Bản có gạo Japonica, Ý có gạo Arborio Rice, hay Mỹ có gạo Gạo Calrose…
Cần chọn loại gạo nào, phải làm gì để đưa thương hiệu gạo quốc gia của Việt Nam trở nên quen thuộc và trở thành lựa chọn hàng đầu cho người tiêu dùng trên khắp thế giới, đó vừa là ước mơ, vừa là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý, địa phương, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trong giai đoạn hiện nay.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, giai đoạn năm 2010-2014, ông và anh hùng lao động Hồ Quang Cua đã sát cánh trong vấn đề xây dựng gạo ST nhằm lan tỏa trên thế giới. Việt Nam đã có ST25 hai lần được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới (2019 và 2023). Do đó có thể tính đến việc lấy dòng ST xây dựng thành thương hiệu gạo tiêu biểu của quốc gia. Khi chúng ta có thương hiệu gạo đã được chứng nhận là ngon nhất thế giới thì các loại gạo khác cũng ảnh hưởng tốt theo.
Cần xây dựng quy trình sản xuất gạo chuẩn
Theo KS Hồ Quang Cua, tác giả các giống gạo ST, nhìn ra những quốc gia xây dựng thương hiệu thành công nhất thế giới, Ấn Độ tập trung cho giống Basmati, Thái Lan có Hom Mali, nghĩa là họ tập trung cho một giống. Sau khi tập trung cho một giống thì luôn luôn có tiêu chuẩn độ thuần, hạn chế hóa chất để có hương vị tự nhiên.
Cũng theo ông Cua, độ thơm là tinh túy của gạo và các nước đều chọn độ thơm làm thương hiệu. Bước kế tiếp luôn luôn là độ thuần, còn tiêu chí về gạo trắng, độ ẩm… là bình thường. Do thâm canh, Việt Nam bị xâm nhiễm hóa chất quá nhiều nên trong xây dựng thương hiệu, ngoài tiêu chuẩn độ thuần, cần hạn chế hóa chất để gạo có hương vị tự nhiên. Tránh lúa chín thời điểm mưa dầm hoặc nắng quá gắt sẽ giữ được độ thơm.
“Những năm gần đây, khi chúng ta bước vào thị trường gạo cao cấp của thế giới, hành vi doanh nghiệp và nông dân đã thay đổi nhiều. Doanh nghiệp và người dân từng bước hỗ trợ lẫn nhau để cùng nâng cấp chất lượng”, ông Cua nói.
Theo ông Phạm Thái Bình, xây dựng thương hiệu nên từ đồng ruộng tới bàn ăn, đặc biệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó xây dựng thương hiệu gạo phải xây dựng cả chuỗi từ khâu giống tới đồng ruộng, sản xuất và chế biến. Chúng ta xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng, sẽ thành công trong việc xây dựng thương hiệu.
Ông Nguyễn Văn Bảy, phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho rằng Việt Nam có nhiều loại gạo và bày tỏ băn khoăn “Phải chăng chúng ta phải lựa chọn cái gì đó đặc biệt để xây dựng thương hiệu?”.
Theo ông Bảy, khi Nhà nước xây dựng nhãn hiệu và chứng nhận dùng nhãn hiệu đó để quảng bá, nâng giá trị sản phẩm của Việt Nam, ai dùng nhãn hiệu đó đều hưởng lợi và khi hưởng lợi sẽ phải trả phí. Chủ sở hữu sẽ phối hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý người không đủ điều kiện vẫn dùng nhãn hiệu này.
“Chẳng hạn ở ngoài Bắc có cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình nhưng giá bán cao lắm, một khi người ta bảo vệ được, mỗi một tem phải trả năm ba đồng, 10 đồng là rất bình thường”, ông Bảy nói và cho rằng phải bảo trì, duy trì giống bởi giống có thương hiệu quốc gia nhưng không có chính sách duy trì giống, để giống thoái hóa cũng không được.
Được biết, thương hiệu gạo Việt Nam được Chính phủ chỉ đạo xây dựng từ năm 2017 và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện xây dựng chứng nhận nhãn hiệu Gạo Việt Nam (VietNam Rice), đăng ký bảo hộ theo thỏa ước Madrid, cũng như đăng ký bảo hộ tại 20 quốc gia trên thế giới như Nga, Trung Quốc, Philippines…
Tuy nhiên, việc ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu gạo Việt Nam đang có những vướng mắc liên quan đến việc đăng ký các thủ tục mang tính chất pháp lý.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 11/12: Thấy bạn gái đi chơi với trai lạ, gã đàn ông ghen tuông cầm dao đâm gục “tình địch”
Leave a Reply