Nhà ở vừa túi tiền tại Hà Nội không có khả năng xuất hiện trở lại

Tại báo cáo được công bố ngày 25/11, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, tình trạng mất cân đối cung – cầu bất động sản đang ngày càng trở nên trầm trọng tại các đô thị lớn. 

Đặc biệt là Hà Nội, nhu cầu về nhà ở có mức giá phù hợp rất cao và vẫn không ngừng tăng lên nhưng thực tế thị trường hiện không đáp ứng được. Điều này đã tạo nên một bức tranh phức tạp và nhiều thách thức cho cả người mua nhà, nhà phát triển bất động sản, và các nhà quản lý.

Thời gian qua, thị trường BĐS Việt Nam đã dần “tăng nhiệt” nhờ động lực dẫn dắt từ nguồn cung mới và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Tuy nhiên, sự gia tăng của nguồn cung – được đóng góp chủ yếu bởi phân khúc cao cấp, mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu về nhà ở của người dân. Trong khi đó, nhu cầu của đại đa số người dân là nhà ở vừa túi tiền lại đang bị “bỏ rơi”, khiến tình trạng mất cân đối cung – cầu ngày càng trầm trọng.

Nhà ở vừa túi tiền tại Hà Nội không có khả năng xuất hiện trở lại- Ảnh 1.

Theo VARS, tình trạng mất cân đối cung – cầu bất động sản đang ngày càng trở nên trầm trọng tại các đô thị lớn.

Dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, phân khúc căn hộ chung cư bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) – nhà ở vừa túi tiền đã “tuyệt chủng” trong vài năm trở lại đây và rất khó, thậm chí không có khả năng xuất hiện trở lại tại Hà Nội và TP.HCM.

Cụ thể, thống kê của VARS chỉ ra, giai đoạn 2018 – 2023, không chỉ liên tục sụt giảm về số lượng, cơ cấu nguồn cung căn hộ tại 2 đô thị đặc biệt còn ngày càng mất cân đối. Cơ cấu nguồn cung ngày càng”nghiêng” về phân khúc cao cấp, hạng sang. 

Tỷ trọng nguồn cung căn hộ mở bán mới thuộc phân khúc giá bình dân (<25 triệu đồng/m2) liên tục sụt giảm và chính thức “vắng bóng” tại TP.HCM vào năm 2021,tại Hà Nội vào năm 2023. 

Tại Hà Nội, trước khi cán mốc 0%, tỷ trọng căn hộ bình dân mở bán mới đã đạt mức 35% vào năm 2018, giảm xuống 20% vào năm 2019 và chỉ còn 12% vào năm 2020. Sang đến năm 2021, 2022, nguồn cung căn hộ bình dân tại Hà Nội tiếp tục giảm, chỉ đạt khoảng 4% tổng nguồn cung căn hộ mở bán.

Tại TP.HCM, kể từ 2018, tỷ trọng căn hộ bình dân cũng ghi nhận sụt giảm mạnh, từ mức chiếm 20% vào năm 2018, còn 0,5% vào năm 2020 trước khi biến mất hoàn toàn vào năm 2021.

Hết đến 9 tháng đầu năm 2024, nguồn cung căn hộ chung cư tại Hà Nội chứng kiến mức phục hồi đáng kể, nhưng tình trạng mất cân đối cung – cầu thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn khi khoảng 80% nguồn cung căn hộ mở bán tại Hà Nội và TP.HCM trong 09 tháng đầu năm 2024 có giá bán từ 50 triệu đồng/m2 trở lên.

Mặc dù mức giá tăng cao, các dự án mở bán mới hay có đợt ra hàng mới đều đạt tỷ lệ bán rất tốt bởi nhu cầu mua căn hộ (cả để ở và đầu tư) luôn duy trì ở mức cao và trong xu hướng tăng. Một số dự án căn hộ ghi nhận tỷ lệ hấp thụ lên tới 99% ngay thời điểm chính thức mở bán. 

Thực trạng này khiến giá căn hộ chung cư liên tục tăng và thiết lập mặt bằng mới ở ngưỡng cao trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, vượt xa khả năng chi trả và tốc độ gia tăng thu nhập của đại đa số người dân.

Xem thêm video được quan tâm:

Nữ ‘quái xế’ tông cô gái trẻ ở Hà Nội đã bỏ học từ sớm và ham đua xe | SKĐS


Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*