Vợ chồng anh Minh (34 tuổi, Hà Nội) dự tính đầu năm 2025 sẽ vào Nam lập nghiệp, nên anh chị đang rao bán căn hộ ở Hà Nội. Nghe ngóng tình hình từ môi giới, anh chị được biết giá căn hộ chung cư đang ở “đỉnh”, quyết định bán lúc này là rất hợp lý.
Căn hộ 90m2 với 3 phòng ngủ được môi giới đưa ra mức giá 4,5 tỷ đồng. Môi giới cũng hứa hẹn sẽ bán căn hộ với mức giá này chỉ trong nay, mai. Tuy nhiên đã cả tháng trôi qua, anh Minh vẫn chưa thấy có khách nào đến xem nhà.
“Ngoài cuộc gọi của môi giới hỏi: “Anh chị bán nhà à? Để em bán cho,…” tôi không nhận được cuộc gọi nào khác. Không thấy môi giới nào dẫn khách đến xem nhà. Bản thân tôi cũng đăng bán nhà lên các hội nhóm khu vực tôi sinh sống, nhưng cũng không thấy ai đến xem. Xem ảnh và bài đăng họ chỉ khen nhà đẹp quá, sau khi hỏi giá thì… mất hút”, anh Minh cho hay.
Căn hộ của vợ chồng anh Minh khá đẹp, nhưng cứ nghe báo giá là khách lại… mất hút. Ảnh: NVCC.
Anh Minh cho rằng, căn hộ mình rao bán có thể đang ở mức giá quá cao. Anh đang bàn bạc với vợ hạ giá xuống để việc mua bán diễn ra nhanh hơn.
Tương tự trường hợp anh Minh, anh Hùng (32 tuổi, Hà Nội) cũng đưa ra quyết định bán nhà trong thời gian gần đây. Anh và mẹ sống tại 1 căn hộ chung cư ở quận Hà Đông đã nhiều năm nay. Sau khi cưới vợ, anh tính bán căn hộ chung cư đi để chuyển xuống nhà mặt đất. Tuy nhiên, dù đã chuyển đi một thời gian khá dài nhưng căn hộ chung cư của gia đình anh vẫn chưa thể bán được.
“Căn hộ ở khu tôi sống có giá hợp lý, nhưng so với thời điểm 1-2 năm trước thì giá đã cao lên gấp đôi. Tôi thấy thời điểm giá nhà chung cư đang cao nên muốn bán để chuyển xuống mua nhà đất ở, nhưng có vẻ khó. Cách đây khoảng 3-4 năm, tòa nhà tôi sinh sống cứ “hở” ra căn nào là “mất” ngay căn đó. Hàng xóm cứ nghe được tin bán nhà là đến hỏi mua cho người thân ngay. Vậy mà bây giờ môi giới dẫn khách đến xem mấy lần rồi vẫn chưa ai “chốt” được”, anh Hùng cho hay.
Anh Hùng cho rằng, lý do chung cư khó bán hơn thời điểm cách đây khoảng 3-4 năm về trước là do giá đã quá cao khiến nhiều người khó có thể tiếp cận.
“Tôi không thể hạ thấp giá bán, vì đó là giá chung trên thị trường. Nếu tôi bán giá thấp, tôi không thể có đủ tiền để mua một căn hộ khác hay một ngôi nhà mặt đất như dự tính. Bởi hiện tại, ở Hà Nội nơi nào giá nhà cũng cao chót vót”, anh Hùng nói thêm.
Thu nhập 50 triệu đồng/tháng, vợ chồng vẫn tính bỏ phố về quê
Vợ chồng anh Thanh, chị Hoa (quê ở Hà Giang) cưới nhau từ cuối năm 2022. Sau khi cưới anh chị tính mua nhà trả góp, với số tiền tích cóp là 500 triệu đồng. Số tiền này là tiền tích cóp trong vài năm đi làm và bán vàng (của hồi môn) từ 2 bên gia đình.
Vợ chồng anh Thanh đang thuê trọ tại Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Tuy nhiên, cho rằng số tiền này vẫn quá ít, nếu đi mua nhà sẽ phải vay ngân hàng cả tỷ đồng, khiến vợ chồng anh Thanh trì hoãn. Sau 2 năm trì hoãn việc mua nhà, 3 từ “nhà Hà Nội” với vợ chồng anh Thanh lại càng trở nên xã vời, dù số tiền tiền tích cóp đến nay đã là 900 triệu đồng.
“Chỗ nào cũng thấy giá cao lên gấp đôi so với thời điểm cách đây 2 năm. Ngày trước, nếu quyết định mua nhà, tôi sẽ phải vay ngân hàng khoảng 1 tỷ đồng, nhưng bây giờ mua sẽ phải vay ngân hàng ít nhất hơn 2 tỷ đồng. Đấy là chưa tính đến việc ngân hàng có cho vay hay không…”, anh Thanh chia sẻ.
Vợ chồng anh Thanh hiện có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ tháng. Nếu trừ tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt, ăn uống của 2 người lớn, 1 trẻ nhỏ, anh chị vẫn sẽ để dành được khoảng 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, việc gồng mình lên để kiếm tiền vì mục tiêu mua nhà Hà Nội khiến vợ chồng anh chị cảm thấy mệt mỏi, càng chán nản hơn khi giá nhà ngày càng tăng cao.
“Vợ chồng tôi đã tính đến việc bỏ Hà Nội để về quê kinh doanh buôn bán gì đó. Dự tính sẽ mở tiệm tạp hóa tự chọn như siêu thị nhỏ, nhưng cũng lo, sợ bị thua lỗ. Mà ở lại Hà Nội thì thấy cuộc sống mệt mỏi… Vợ chồng tôi đi làm cả tháng gần như không có ngày nghỉ. Thứ Bảy và Chủ nhật vẫn phải thường xuyên đi làm. Con nhỏ chúng tôi đành phó mặc cho bà ngoại”, anh Thanh nói.
Không chỉ có gia đình anh Thanh, nhiều đôi vợ chồng trẻ cũng đã có ý định bỏ phố về quê lập nghiệp vì áp lực “nhà Hà Nội”. Tuy nhiên, thay vì nghỉ việc ngay, có người vẫn quyết định thuê trọ ở Hà Nội, kiếm tiền và sử dụng tiền tiết kiệm để sửa nhà ở quê.
“Vợ chồng tôi đã chuẩn bị để vài năm nữa về quê ở hẳn. Tôi muốn khi về quê là chúng tôi sẽ có chỗ để ở, không phụ thuộc vào bố mẹ. Dù không còn muốn ở lại Hà Nội, nhưng chúng tôi cũng không thể về quê ngay. Chúng tôi cần có 1 ngôi nhà ở quê và 1 khoản tiền tiết kiệm, vì về quê chắc chắn thời gian đầu chúng tôi sẽ chưa thể tìm được công việc ổn định”, chị Minh Trang (29 tuổi) chia sẻ.
Leave a Reply