Đối diện nhiều vấn đề
Xuất khẩu nông sản năm 2024 có nhiều điểm sáng, mang về nguồn kim ngạch vượt chỉ tiêu đề ra của Chính phủ. Điều này cho thấy nỗ lực rất lớn của các đơn vị, chuỗi mắt xích trong toàn ngành: thuỷ sản, lúa gạo, trái cây, gỗ, tiêu, điều,… Đồng thời, những thành tích này cũng khẳng định vai trò của tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, dù có nhiều thành tích xuất khẩu tươi sáng, nhưng ngành nông sản vẫn còn đối diện với nhiều thách thức lớn. Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu nông sản Việt Nam đang đối diện với 5 thách thức lớn. Đó là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí vận tải, logistics chưa có dấu hiệu giảm, chính sách nhập khẩu của các nước liên tục thay đổi và lãi suất ngân hàng có biến động.
Không những vừa phải đối diện với các tiêu chí sản xuất, người sản xuất nông nghiệp còn phải đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng nông sản ngày càng tăng. Người tiêu dùng nước ngoài có xu hướng thắt chặt chi tiêu do áp lực lạm phát.
Đối với ngành thủy sản, hiện nay ngành thủy sản Việt Nam cũng đang nỗ lực gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU để khơi thông lại đường đi cho các sản phẩm khai thác, đánh bắt. Ông Hoàng Trọng Thủy, Chuyên gia nông nghiệp chia sẻ, đối với ngành nuôi trồng thuỷ sản, vẫn còn nhiều khó khăn về biến đổi khí hậu hiện nay. Cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản chưa phát triển vượt trội, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành. Chất lượng con giống thủy sản cũng phải cải thiện hơn để tạo sản phẩm chất lượng và đáp ứng các yêu cầu của người tiêu dùng.
Chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam cũng không nằm ngoài những thách thức của thị trường trong năm 2024. Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức mới từ thị trường quốc tế trong năm 2024. Đáng chú ý là nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu giảm mạnh do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và lạm phát gia tăng, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Nhiều đơn hàng từ các thị trường này sụt giảm đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành gỗ. Cùng với đó, các yêu cầu về nguồn gốc gỗ và sản xuất bền vững càng tăng áp lực lên các nhà xuất khẩu Việt Nam. Tại Mỹ, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang đối diện với khả năng bị điều tra chống bán phá giá, đặc biệt với các sản phẩm có nguồn gốc từ nước thứ ba, chẳng hạn như gỗ nhập từ Trung Quốc. Việc điều tra có thể dẫn đến biện pháp trừng phạt thuế suất cao nếu bị kết luận vi phạm, đe dọa đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Tìm kiếm từng cơ hội
Mặc dù thách thức từ thị trường luôn tác động mạnh đến các ngành hàng của ngành nông nghiệp, nhưng mỗi ngành hàng đều có những nỗ lực riêng để giữ vững thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chắt chiu từng cơ hội xuất khẩu để đảm bảo hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp.
Theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam chia sẻ, trước những yêu cầu của người tiêu dùng, cũng như rào cản kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản vừa khắc phục những khó khăn nội tại như vấn đề truy xuất nguồn gốc, các vấn đề liên quan đến chính sách xuất khẩu vừa nỗ lực đầu tư công nghệ để năng cao năng lực sản xuất.
Chẳng hạn như, thuỷ sản Việt Nam đối diện với các rào cản kĩ thuật về thuế chống bán phá giá hay thẻ vàng IUU, nhưng cơ hội mới xuất hiện là như cầu lớn từ thị trường Halal, các doanh nghiệp thuỷ sản cũng sẽ nỗ lực đầu tư để có thể khai thác thị trường này, hay yêu cầu về sản xuất xanh, bảo vệ môi trường cũng đang được các doanh nghiệp ráo riết thực hiện để hoàn thành tiến độ cho đến năm 2035.
Nhìn thấy khó khăn trước mắt nhưng cũng chứa nhiều cơ hội từ thị trường Mỹ, ông Trần Ngọc Liêm chia sẻ, thị trường Mỹ hiện chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam. Trong nhiệm kỳ trước, Tổng thống Donald Trump từng áp dụng nhiều biện pháp đối với xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ, đòi hỏi cân bằng thương mại.
Tới đây, khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, ngành gỗ có thể phải đối mặt với các biện pháp điều chỉnh nhưng cũng có thể hưởng lợi từ cơ hội thu hút đầu tư và phát triển. Bên cạnh thị trường Mỹ, các thị trường khác cũng đang tạo cơ hội cho ngành gỗ.
Đơn cử, các hiệp định thương mại tự do đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường mới, thị trường Trung Quốc đúng khôi phục sức tiêu dùng, hay thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tích cực chuẩn bị hàng hoá phục vụ cho các lễ hội truyền thống sắp tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản.
Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Các biện pháp như sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước, bảo vệ đất đai và đa dạng sinh học cần được áp dụng rộng rãi sẽ tăng cơ hội cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Leave a Reply