Giá phân bón trong nước bám sát xu hướng biến động trên thế giới

Hiện giá ure trong nước đang ở mức ổn định trong khi giá ure thế giới tuần qua đồng loạt giảm sau gần 3 tuần tăng giá.

Giá ure thế giới “hạ nhiệt”

Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Argus và Fertecon, đầu tháng 10, giá ure thế giới tiếp tục tăng cao nhờ hỗ trợ từ đấu thầu Ấn Độ và trước xung đột leo thang từ khu vực Trung Đông. Tại Trung Đông, giá ure hạt đục đã tăng từ mức 330-335 USD/tấn FOB (giá FOB-giá tại cửa khẩu bên nước của người bán) cuối tháng 9 lên mức 356 USD/tấn FOB cho lô hàng giao nửa cuối tháng 10 và tháng 11.

Giá phân bón trong nước bám sát xu hướng biến động trên thế giới- Ảnh 1.

Đóng bao sản phẩm phân đạm Urê tại nhà máy TNHH MTV Đạm Ninh Bình. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Tại Iran, chào giá ure hạt đục cũng đã tăng mạnh lên mức 315 USD/tấn FOB, với giao dịch gần nhất trong tuần 1 tháng 10 ghi nhận ở mức 307 USD/tấn FOB. Tại Ai Cập, các nhà sản xuất liên tiếp chốt bán các lô hàng giao tháng 10-11 ở mức giá tăng từ 375 USD/tấn FOB ngày 1/10 lên mức 407 USD/tấn FOB ngày 7/10, với tổng lượng giao dịch trong giai đoạn này đạt gần 80.000 tấn, phần lớn giao tới châu Âu. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn nhiều nguồn cung ure từ Iran khiến giá ure trong khu vực không thể tăng mạnh hơn.

Tại châu Mỹ, vào đầu tháng 10, giá ure đã tăng sau căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Hầu hết các chào hàng trước đó đã bị các nhà cung cấp rút lại và chào giá tăng cao hơn từ ngày 3/10. Trong đó, giá sà lan tại cảng Nola (Mỹ) đã tăng lên mức 314-337 USD/st FOB Nola. Giá ure hạt đục tại Brazil tăng khoảng 2-5 USD/tấn so với cuối tháng 9 lên mức 362-375 USD/tấn CFR, với các chào giá tăng cao tới 380 USD/tấn CFR (giá CFR là tổng giá FOB và cước phí vận chuyển).

Tại châu Âu, đầu tháng 10, giá ure tiếp tục tăng sau căng thẳng ở Trung Đông, tuy nhiên nhu cầu mua hàng ít, và với mức giá tăng đột ngột, nhiều người mua rút lui khỏi thị trường giao dịch.

Tại châu Phi, nhu cầu gia tăng mạnh tại hầu hết các thị trường trong khu vực như Maurutania, Mali, Kenya, Rwanda, Ethiopia, Nam Phi… với một loạt các đấu thầu nhập khẩu ure liên tiếp được phát hành để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Trong khi đó, các nhà sản xuất như Nigeria, Algeria cũng chào giá ure gia tăng theo xu hướng giá ure tại Ai Cập. Đầu tháng 10, hoạt động thu mua ure vẫn tiếp diễn và vẫn còn nhiều nhu cầu tại Đông Phi, Nam Phi trong quý 4/2024. Tuy nhiên, do giá tăng cao, một số nhà nhập khẩu cũng thận trọng hơn trong việc mua hàng mới tránh rủi ro về giá cả.

Tại khu vực Biển Đen/Biển Baltic, đầu tháng 10, giá ure tiếp tục gia tăng, nhưng thanh khoản hạn chế, do người mua cố gắng giảm giá xuống mức 340 USD/tấn FOB Biển Đen trở xuống, trong khi chào giá từ các nhà cung cấp khoảng 353-358 USD/tấn FOB đối với ure hạt đục.

Tuy nhiên, sau nhiều tuần tăng liên tiếp, giá ure thế giới tuần qua đã đồng loạt giảm trong khi thị trường kỳ vọng về đợt thầu mới của Ấn Độ.

Tại Brazil, giá ure hạt đục giảm xuống 370-375 USD/tấn CFR; Một số lô nhỏ đến vào cuối tháng 10 chỉ quanh mức 380 USD/tấn CFR, trong khi hàng mới (xá) rẻ hơn từ 5-10 USD/tấn. Tại Mỹ, giá ure tại Nola giảm 2,5 USD/tấn, xuống mức 325-328 USD/tấn FOB.

Giá giao ngay tại Trung Đông ở mức 370-380 USD/tấn FOB nhưng nguồn cung hạn chế. Tại Iran, Shiraz bán 30.000 tấn ure với giá 327 USD/tấn, giao hàng nửa đầu tháng 11; còn Lordegan cũng mở thầu bán ít nhất 20.000 tấn ure, đóng thầu ngày 27/10, giao hàng nửa đầu tháng 11 từ cảng BIK. Tại Ai Cập, hoạt động hạn chế, giữ giá ure ổn định trong ngày ở mức 390-395 USD/tấn FOB.

Tuy nhiên, áp lực giảm vẫn tiếp diễn do thiếu lực mua. Hội nghị Argus Fertilizer Europe tại Athens không giúp các nhà sản xuất Ai Cập thanh lý lượng tồn kho còn lại trong tháng 10 cũng như cho tháng 11, ngoại trừ một thỏa thuận chưa được xác nhận ở mức 395 USD/tấn FOB. Một số nhà sản xuất dường như ngày càng có khả năng phải tham gia ở mức giá 385 USD/tấn FOB trở xuống để thu hút người mua. Nhưng các nhà nhập khẩu vẫn đứng ngoài cuộc, với việc nhu cầu ở châu Âu ảm đạm.

Tại Sơn Đông (Trung Quốc), giá ure hạt trong ổn định mức 1.780-1.800 NDT/tấn. Tại Hà Bắc, giá ure hạt trong giảm về mức 1.780 NDT/tấn. Tại Nội Mông, giá ure hạt trong duy trì mức 1.650-1.700 NDT/tấn. Tại Sơn Tây, giá ure hạt trong ổn định 1.700 NDT/tấn, trong khi hạt đục giảm về 1.800 NDT/tấn.

Tại Đông Nam Á, giá ure tuần qua ổn định, với việc hầu hết các nhà cung cấp và người mua tập trung vào đợt thầu sắp tới của Ấn Độ. Giá ure cao nhất ở Philippines, được hỗ trợ bởi cước vận chuyển cao hơn và giá trong nước ổn định. Nhưng các cơn bão nhiệt đới đang gây ra lũ lụt, ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch mùa màng hiện tại. Giá ure hạt đục lên tới 415 USD/tấn CFR, trong khi ure hạt trong chào bán cao hơn 10 USD/tấn.

Tại Thái Lan, lượng tồn kho cao khiến các nhà nhập khẩu không tham gia thị trường. Cước vận chuyển hàng hóa đến hầu hết các nước Đông Nam Á đang tăng lên do thời gian neo đậu lâu hơn do điều kiện thời tiết xấu và thiếu tàu có sẵn trên thị trường vận chuyển hàng hóa. Giá ure hạt đục giảm xuống còn 375-380 USD/tấn FOB do các dấu hiệu yếu hơn.

Công ty Argus dự báo, đợt thầu tiếp theo của Ấn Độ (dự kiến vào tuần tới) sẽ giữ giá ure không bị ảnh hưởng từ Trung Đông và Baltic cho đến cuối năm. Đợt thầu này dự kiến sẽ tập trung vào tàu giao cuối tháng 12, chủ yếu nhắm đến Bờ Tây Ấn Độ. Thị trường đã nhận được một số hỗ trợ, vì các nhà sản xuất đang tập trung vào các cam kết tháng 11 và tiếp tục giao hàng theo các cam kết đã kỹ theo đợt thầu ure gần đây của Ấn Độ. Một nhà sản xuất cho biết, khả năng cung cấp cho tháng 11 là rất hạn chế, trong khi một nguồn tin khác cho biết “không có nguồn hàng sẵn có trong khu vực”.

Tuy nhiên, nhu cầu nông nghiệp có dấu hiệu giảm và tin tức xuất khẩu hạn chế, với kỳ vọng rằng bất kỳ hạn ngạch xuất khẩu nào khó có thể diễn ra cho đến năm 2025. Thêm vào đó, các vấn đề về khả năng chi trả ở châu Âu và châu Mỹ sẽ đẩy giá giảm dần trong tháng 12. Giá sẽ không giảm mạnh do nhu cầu bên ngoài vẫn ở mức cao. châu Âu, Mỹ và Australia sẽ đẩy giá tăng trở lại trong tháng 1/2025.

Giá ure trong nước ổn định

Trong khi đó, tại Việt Nam, giá ure hạt trong được chào bán ở mức 410 USD/tấn FOB, hàng xá, mặc dù có rất ít giao dịch được báo cáo. Một số nhà nhập khẩu Việt Nam đang tìm mua các tàu ure hạt đục giá khoảng 380-390 USD/tấn CFR, giá đàm phán lên tới 405 USD/tấn CFR vào đầu tuần. Nhưng dự báo bão và điều kiện thời tiết xấu đã khiến người mua rút lui khỏi thị trường.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Agromonitor, trong tháng 10, nhu cầu tiêu thụ nội địa sẽ cải thiện so với tháng 9, tuy nhiên chưa vào giai đoạn cao điểm vụ Đông Xuân cho lúa và rau màu nên sức mua chưa mạnh. Xuất khẩu trong tháng 10 có thể đạt gấp đôi mức tháng 9 do trong tháng 9 thị trường nội địa trầm lắng nên các nhà máy đã tăng ký các đơn hàng xuất khẩu giao tháng 10-11. Nguồn cung trong tháng 10 dự kiến vẫn tăng so với tháng 9 do tồn kho đầu tháng ở mức cao và sản xuất tiếp tục tăng nhẹ.

Dự kiến tồn kho trong tháng 10 này sẽ tiếp tục tăng nhẹ. Từ đầu tháng 10, các đại lý tại các khu vực đã quay trở lại mua hàng để dự trữ (sau khi trầm lắng trong tháng 9) do lo ngại giá có thể tăng tiếp, giao dịch đầu tháng 10 cải thiện.

Từ đầu tháng 10, do lượng hàng sẵn có trên thị trường khan bởi các nhà máy cấp hàng lượng ít và tập trung xuất khẩu, giá ure đã giữ xu hướng tăng trong cuối tháng 9 và đến đầu tháng 10 vẫn tiếp tục đi lên. Đồng thời, giá trong nước tăng còn được hỗ trợ bởi giá ure thế giới tăng trước thông tin đấu thầu nhập khẩu ure của Ấn Độ được phát hành và đóng ngày 3/10.

Lượng tiêu thụ trong tháng 10 dự kiến đạt khoảng 90 nghìn tấn, tăng nhẹ 20 nghìn tấn so với tháng 9. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu tiêu thụ ure dự kiến sẽ bắt đầu tăng tại các khu vực sạ lúa Đông Xuân sớm, tuy nhiên lượng tiêu thụ trực tiếp vẫn ở mức thấp, chủ yếu các đại lý sẽ nhập hàng trước vụ để dự trữ. Tại Đồng bằng sông Hồng, nhu cầu tiêu thụ cho cây rau màu vụ Đông sớm tăng nhẹ trong tháng 10.

Dự kiến trong tháng 10 này, các nhà máy sản xuất phân bón tổng hợp NPK sẽ tăng công suất để làm hàng thành phẩm NPK đáp ứng cho nhu cầu chăm bón cho cây trồng trong giai đoạn cao điểm vụ Đông Xuân. Vì vậy, lượng ure sử dụng làm nguyên liệu sản xuất dự kiến tăng lên mức 45.000 tấn.

Xuất khẩu ure của Việt Nam trong tháng 10 dự kiến đạt 90.000 tấn, tăng gấp đôi so với tháng 8, trong đó có ít nhất 1 tàu đã lùi thời gian xếp hàng từ tháng 9 sang tháng 10 do thời tiết xấu tại khu vực miền Bắc trong tháng 9. Dự kiến tồn kho trong tháng 10/2024 sẽ tiếp tục tăng nhẹ, tuy nhiên đầu tháng 10 có nhiều thông tin tích cực trên thị trường thế giới như giá thầu Ấn Độ tăng, Trung Quốc vẫn hạn chế xuất khẩu, giá thế giới dự báo gia tăng trong tháng 10-11, chào giá ure Đông Nam Á về Việt Nam cũng gia tăng nên dự kiến sẽ hỗ trợ giá trong nước.

Bình quân giá ure đã tăng khoảng 50-600 đồng/kg trong khoảng 10 ngày đầu tháng 10. Trong đó, chào giá ure Cà Mau sang tay tại Sài Gòn/Tây Nam Bộ đã tăng lên mức 10.900-11.000 đồng/kg từ 7/10; sau đó tiếp tục tăng lên mức 11.000-11.200 đồng/kg sau khi có thông tin nhà sản xuất tiếp tục tăng giá lệnh 500 đồng/kg từ ngày 9/10 lên mức 10.500 đồng/kg tại nhà máy và 10.600-10.650 đồng/kg tại kho trung chuyển các khu vực. Các đại lý cấp 1 tại Tây Nam Bộ đã chào ure Cà Mau giao kho cấp 2 tăng lên mức 11.000-11.600 đồng/kg khi mua riêng ure và 10.600-11.000 đồng/kg khi mua cùng bộ sản phẩm gồm NPK.

Với ure Phú Mỹ, ngày 7/10, nhà máy đã có lệnh mới ra hàng ure, trong đó, tại kho trung chuyển Tây Nam Bộ, giá lệnh tăng lên mức 10.200 đồng/kg (tăng so với mức 9.900-10.100 đồng/kg ngày 5/9); các thương nhân/đại lý chào giá ure Phú Mỹ sang tay tại kho trung chuyển Tây Nam Bộ đã tăng lên mức ngang giá lệnh.

Với ure Hà Bắc/Ninh Bình, ngày 3/10, các nhà sản xuất cũng đã thông báo giá lệnh tăng lên mức 9.800 đồng/kg (hàng thương phẩm), chào giá sang tay tại nhà máy đã tăng lên mức 9.600 đồng/kg với ure Ninh Bình và 9.700-9.800 đồng/kg với ure Hà Bắc.

Với hàng nhập khẩu, các thương nhân và đại lý chào giá hàng kho ure Brunei hạt đục tại Sài Gòn và Long An tăng lên 10.100-10.300 đồng/kg và ure Malaysia hạt đục tăng lên 10.300-10.500 đồng/kg- tăng 200-400 đồng/kg so với cuối tháng 9.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2024, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt gần 3,85 triệu tấn, trị giá 1,28 tỷ USD, giá trung bình đạt 332,2 USD/tấn, tăng 32,3% về khối lượng, tăng 29,7% về kim ngach nhưng giảm 2% về giá so với cùng kỳ năm 2023.

Ở chiều xuất khẩu, trong 9 tháng năm 2024, cả nước xuất khẩu trên 1,29 triệu tấn phân bón các loại, tương đương gần 530,66 triệu USD, giá trung bình 410,3 USD/tấn, tăng 8,5% về khối lượng, tăng 8% về kim ngạch nhưng giảm nhẹ 0,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023.

Nhìn chung từ đầu năm đến nay, thị trường phân bón trong nước ổn định, giá cả bình ổn. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã nỗ lực sản xuất, đảm bảo phân bón cung cấp trong nước và hướng tới xuất khẩu đối với những loại phân bón trong nước đã dư thừa.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*